Tôm thẻ chân trắng và nối lo xâm lăng vùng nước ngọt
Với nhiều ưu điểm vượt trội cùng với giá bán tốt và sự khó khăn trong việc nuôi các đối tượng nước ngọt khác, TTCT đang dần chiếm ưu thế và chuẩn bị “xâm lăng” vào vùng nước ngọt. Các nhà khoa học quan ngại rằng, việc làm này có thể hủy hoại môi trường
Mừng cũng có…
Ngoài ưu điểm về chu kỳ nuôi ngắn, sản lượng và năng suất cao, tôm thẻ chân trắng (TTCT) còn có khả năng chịu được độ mặn thấp khá tốt, điều này đã mở ra một đối tượng nuôi mới cho người nuôi thủy sản nước ngọt.
Tận dụng đặc điểm này, người nuôi hiện nay có hai phương pháp để nuôi TTCT ở nước ngọt. Một là khoan giếng lấy nước mặn, còn ở những nơi không có nước giếng mặn thì nông dân mua nước ót (phần dung dịch còn lại trên ruộng muối sau khi muối đã kết tinh) về pha với nước ngọt để nuôi. Cả hai cách làm trên đều tạo ra môi trường nước có độ mặn vừa đủ cho TTCT có thể sống và phát triển.
Nuôi TTCT ở nước ngọt có rất nhiều lợi thế so với nuôi ở nước mặn, quan trọng nhất là ít có mối nguy về dịch bệnh, do nguồn nước trong vùng nước ngọt không có sinh vật gây bệnh trên TTCT. Đối với người nuôi tôm thì loại trừ được dịch bệnh được xem như đã nắm chắc 80% phần thắng. Ngoài ra, thời gian nuôi TTCT ngắn (3 tháng), giá bán lại tốt hơn nhiều so với nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt, nhất là cá tra hay cá lóc.
… nhưng lo không ít
Lợi thì có thấy, thế nhưng việc nuôi TTCT trong vùng nước ngọt không hoàn toàn chỉ có ưu điểm. Đối với những ao chuyển từ nuôi cá tra sang nuôi tôm là không dễ dàng. Ao nuôi cá tra đa số có độ sâu trên 3 m trong khi nuôi tôm chỉ cần mức nước 1,6 m là phù hợp. Do đó, những ao lựa chọn nuôi TTCT thường là những ao ương cá tra do độ sâu phù hợp và diện tích vừa phải, dễ quản lý. Dù được xem là đối tượng nuôi có sức khỏe tốt, tuy nhiên nếu so với cá tra thì TTCT vẫn nhạy cảm về môi trường hơn rất nhiều, đòi hỏi nông dân có một quy trình nuôi hoàn toàn khác, chăm sóc kỹ càng hơn.
TTCT đã trở thành "cá tra nước mặn" của người dân vùng ĐBSCL - Ảnh: Phan Thanh Cường
Muốn con tôm phát triển thì ngoài việc cho ăn đầy đủ, môi trường nước phải có đủ khoáng chất để tôm có thể lột xác. Tuy nhiên, trong nguồn nước độ mặn thấp thì chất khoáng rất hạn chế. Vì vậy, bổ sung khoáng chất là điều bắt buộc.
Ngoài ra, một vấn đề rất lớn nữa là hiện tượng “xâm nhập mặn”. Việc đưa nước mặn nuôi tôm vào vùng nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng như thế nào là điều cần phải làm rõ. Thêm nữa, việc phát triển ồ ạt TTCT trên diện tích nước ngọt không theo quy hoạch cũng không phải là cách làm bền vững.
Cần phải làm gì?
Theo nhiều chuyên gia, việc tìm mọi cách biến nước ngọt thành nước mặn để nuôi TTCT nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường đối với môi trường sinh thái. Do vậy hiện nay, nhiều tỉnh, thành cũng đã triển khai giải pháp nhằm hạn chế phần nào những tác động xấu từ tình hình này.
Như tại Đồng Tháp, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, ban ngành để tìm giải pháp ngăn chặn việc nuôi TTCT ở địa phương. Các cơ quan chức năng cho rằng, nuôi TTCT ở Đồng Tháp sẽ tác động xấu đến môi trường đất trồng lúa, chất lượng nguồn nước ngọt thiên nhiên và nguy cơ gây ô nhiễm tầng nước ngầm rất cao… Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh không khuyến khích việc nông dân chuyển đổi sang đầu tư nuôi TTCT trong vùng nước ngọt. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có biện pháp nghiêm cấm việc khai thác nước ngầm tầng mặn phục vụ mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn nhằm bảo vệ môi trường. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương vận động nông dân không đầu tư nuôi mới. Đối với những diện tích đã thả giống nuôi hiện tại, nên kết thúc hoạt động nuôi ngay sau đợt thu hoạch tôm.
Còn ở Cà Mau, UBND tỉnh cũng vừa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau khẩn trương có biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa để nuôi tôm. Cụ thể, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức của người dân về tác hại của nước mặn xâm hại vùng ngọt hóa, công khai quy hoạch để người dân hiểu, tự giác chấp hành thực hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, trong đó sẽ kiểm điểm xử lý lãnh đạo địa phương nào thờ ơ để cho người dân đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa.
CÔNG TY TNHH HƯƠNG HOÀNG NAM
Địa chỉ: A9/54 ấp 1, xã Bình Chánh, Huyện Bình Chánh, TP. HCM
Tel: 08 3760 7878 - Hotline: 0927 383 888 - 0925 323 888
Email: huonghoangnam.co@gmail.com - Website: www.huonghoangnam.com
371982 Online : 1
Design by Vietwave